Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI SUY NIỆM VỀ THÁNG MÂN CÔI

NĂM SỰ SÁNG : Ngọn đèn dẫn đường cứu rỗi.

Sưu tầm

1. Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Khởi đầu công khai sứ vụ rao giảng tin mừng của Nước Trời, Chúa Giê-su đã làm một việc rất khiêm tốn là xuống sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Đấng vô tội đã như một tội nhân đến giữa những anh chị em và để chia sẻ thân phận yếu hèn như mọi người, thánh sử Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Bấy giờ Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình.” (Mt 3, 13)

Hai con người, hai nhân vật của lịch sử ơn cứu độ đang gặp nhau. Một người có tên là Gioan Tẩy Giả đang làm công việc dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, và một người được Chúa Cha sai đến, là Đấng mà muôn dân trông đợi, người mà ông Gioan Tẩy Giả đang chuẩn bị cho mọi người dọn tâm hồn để đón tiếp Ngài, đó là Chúa Giê-su.

Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối, tức là kêu gọi những tội nhân hãy quay trở về với Thiên Chúa, hãy làm lành tránh ác, và hãy sửa mọi ý nghĩ gian tà thành ý nghĩ thánh thiện. Và như lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mt 3, 4-7) Để được đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, thì điều kiện trước tiên là phải thật lòng sám hối và thay đổi cuộc sống của mình.

Chúa Giê-su –Con Chiên Thiên Chúa, Đấng vô tội- cũng tự mình đi đến sông Gio-đan xin ông Gioan làm phép rửa, Ngài không nề hà thân phận cao quý của mình, Ngài cũng không bày tỏ mình là Đấng mà ông Gioan đang rao giảng và chuẩn bị tâm hồn mọi người chờ đón Ngài. Chính Ngài đã tự nguyện, như một tội nhân đến xin ông làm phép rửa, nhưng Thánh Thần đã soi mở tâm trí của ông Gioan, và ông đã nhận ra Đấng mà ông đang làm phép rửa chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, và ông đã từ chối làm phép rửa cho Ngài, nhưng Chúa Giê-su đã nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3, 15) sự khiêm tốn giữa hai con người này chính là biểu hiệu của người được Thiên Chúa kêu gọi, bởi vì Thiên Chúa thường

“Hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1, 52-53)

Chúa Giê-su, trong thân phận con người, khi chịu phép rửa bởi tay ông Gioan Tẩy Giả, Ngài đã thật sự trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thế nhưng, dù thời giờ chưa đến, Chúa Cha vẫn cứ làm một dấu lạ để cho mọi người biết Ngài là Đấng từ trời xuống, bởi Cha mà đến, cả ba thánh sử đều có ghi chép lại giây phút quan trọng của lịch sử cứu độ này: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 21-22)

Tiếng Chúa Cha từ trời vang xuống như một chứng thực Chúa Giê-su là Đấng thiên sai mà loài người trông đợi, trong lời giới thiệu long trọng ấy, Thiên Chúa muốn chúng ta từ nay hãy vâng nghe lời giảng dạy của Chúa Giê-su, lời ban sự sống đời đời cho những kẻ tin vào Ngài.

Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả hướng chúng ta đến bí tích Rửa Tội do Chúa Giê-su lập ra, nơi phép rửa của ông Gioan mời gọi con người sám hối, mà nơi bí tích Rửa Tội thì Chúa Giê-su thứ tha tội lỗi và trả lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa, mà do tội nguyên tổ đã đánh mất trong vườn địa đàng.

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và ngự trong tâm hồn của mình, đó chính là mầu nhiệm tình yêu cao cả mà Chúa Cha, nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su, và nhờ ân sủng thánh hoá của Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Ân huệ cao cả này, tình thương cao cả này vượt qua trí thông minh sáng láng của các thiên thần, vượt qua tất cả sự thông minh của các nhà thông thái trên mặt đất gộp lại, và chỉ có những ai khiêm nhường –nhờ đức tin Chúa ban cho- mới nhận ra và hiểu được mà thôi.

Khi suy niệm mầu nhiệm này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mời gọi chúng ta –những người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội- hãy luôn nhớ mình là những người con được Chúa yêu thương rất đặc biệt, được Máu Thánh Chúa Giê-su đổ ra để rửa sạch tội lỗi, được Thánh Thần xức dầu thánh hiến để trở nên đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, do đó mà chúng ta cũng phải luôn sống tâm tình khiêm tốn như thánh Gioan Tẩy Giả như khi ngài giảng dạy cho người Do Thái: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh ăn năn sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.” (Mt 3, 11)

Chúa Giê-su chịu phép rửa nơi sông Gio-đan là Ngài mở một con đường sáng để cho chúng ta đi theo, con đường sáng ấy chính là thái độ khiêm tốn của Ngài khi xuống sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Và chỉ có thái độ và lòng khiêm tốn trong cuộc sống ấy mới có thể làm chúng ta đi trên con đường sáng để đến với Chúa và với tha nhân mà thôi.

2. Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu tại Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng Đức Chúa Trời

Tiệc cưới, là một ngày vui của đôi tân hôn, và là ngày hội vui vẻ của bà con thân thuộc bên họ nhà trai và nhà gái, tiệc cưới là dấu chỉ của yêu thương và hạnh phúc. Do đó, những người khách được mời tham dự tiệc cưới cần phải có tâm hồn yêu thương để chia sẻ hạnh phúc với đôi tân hôn.

Tiệc cưới Ca-na hôm nay, Đức Mẹ Maria được mời và Chúa Giê-su cùng các môn đệ của Ngài cũng được mời.

Qua câu chuyện tiệc cưới Ca-na này, chúng ta thấy vai trò của Đức Mẹ Maria rất quan trọng, Mẹ không những làm những việc của người nội trợ ở trong bếp, mà còn quan tâm đến những nhu cầu của người khác, nhất là quan tâm đến niềm vui của họ, sự quan tâm này được Phúc Âm của thánh Gioan tông đồ kể lại như thế này: “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: ”Họ hết rượu rồi”. Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2, 1-5) Khi nói: ”Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, thì Đức Mẹ Maria đã dạy cho chúng ta một bài học vâng lời và phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chính Mẹ đã làm gương trước cho chúng ta, Mẹ đã phó thác đôi tân hôn cho Chúa khi xin Ngài làm cho niềm vui của họ được kéo dài, vì họ đã hết rượu, và Chúa Giê-su đã nhậm lời Mẹ xin.

Đức Mẹ Maria, Chúa Giê-su và các thánh tông đồ là một gia đình, một khối yêu thương bất khả phân ly trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, nơi tiệc cưới Ca-na này, sự liên kết hiệp nhất ấy càng nổi bật hơn khi có sự hiện diện của Chúa Giê-su và Mẹ Maria cũng như các tông đồ, và chúng ta có thể nói, đó là mô hình của Giáo Hội tương lai mà Chúa Giê-su sẽ thiết lập để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Là người mẹ của Giáo Hội trong nhiệm thể Chúa Ki-tô, Mẹ Maria với tấm lòng mẹ hiền luôn cầu bàu cho Giáo Hội trước toà Thiên Chúa, và khi được Thiên Chúa đem lên trời cả hồn lẫn xác thì vai trò của Mẹ càng nổi bật hơn trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.

Khi suy ngắm đến việc Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới Ca-na, Giáo Hội muốn nhắn nhủ chúng ta những điều sau đây:

-Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, và trong Chúa Ki-tô tất cả chúng ta đều là anh em với nhau, họ chính là những Ki-tô khác mà chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc sống, do đó mà chúng ta cần phải có những quan tâm cần thiết đến với họ.

-Con người ta, trước mặt Thiên Chúa đều bình đằng như nhau, cho nên cần phải lấy sự công bằng mà tiếp đãi nhau, như tiếp đãi Chúa Giê-su vậy.

-Noi gương Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria luôn cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người.

Chính vì học theo gương Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria khi tham dự tiệc cưới Ca-na, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mỗi khi đi thăm viếng mục vụ một quốc gia nào đó, thì việc trước tiên của Ngài làm khi bước xuống máy bay là hôn đất của quốc gia ấy, bày tỏ niềm vui sướng và tình thương mà ngài dành cho họ.

3. Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối. Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn..

Trong Phúc Âm nhất lãm, các thánh sử đều nhắc đến việc Chúa Giê-su công khai sứ vụ rao giảng tin mừng Nước Trời của Ngài. Thánh Lu-ca, vị thánh sử viết Phúc Âm cho người ngoại đã trở lại, tường thuật lại như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4, 14-15)

Thánh sử Mát-thêu chú trọng viết tin mừng cho người Do Thái vùng Xy-ri-a đã tin vào Chúa Giê-su thì kể rằng: ”Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gioan bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Máp-ta-li...Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4, 12-17).

Thánh sử Mác-cô viết Phúc Âm cho các tín hữu không phải là gốc Do Thái sống ngoài xứ Palestin kể lại như sau: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 14-15)

Lời đầu tiên mà Chúa Giê-su rao giảng là kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, sám hối và tin vào Tin Mừng là điều kiện để được cứu rỗi, bởi vì không thể nào sám hối tội lỗi mình thì cũng không thể nào tin vào Tin Mừng, và chỉ nhờ Tin Mừng thì mới có thể nhìn thấy rõ đời sống của mình không phù hợp Phúc Âm để mà ăn năn sám hối.

Dân thành Ni-ni-vê đã nghe lời của tiên tri Giô-na và đã ăn năn sám hối, mặc áo nhặm rắc tro trên đầu, và Đức Chúa đã tha hình phạt cho họ. (Gn 3, 1-10), lòng sám hối chân thành của dân thành Ni-ni-vê đã đụng chạm đến nơi thẳm sâu tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Thiên Chúa thứ tha chứ không phải là Thiên Chúa chấp tội, là Thiên Chúa nhân từ chứ không phải là Thiên Chúa độc ác, là Thiên Chúa luôn quên hết tội lỗi khi con người thật lòng hoán cải quay về nẻo chính đường ngay.

Lòng sám hối và tin vào Đấng đang bị đóng đinh với mình trên thập giá kia của người trộm lành (Lc 23, 40-43), cũng là một dấu hiệu rất rõ ràng để cho chúng ta thấy rằng, lời rao giảng “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” của Chúa Giê-su, chính là hé mở hạnh phúc thiên đàng cho chúng ta có niềm hy vọng vào sự sống đời sau.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học phát triển từng ngày từng giờ, thế giới như thu nhỏ lại trong bàn tay, nhưng giữa tâm hồn con người với nhau vẫn cứ có khoảng xa cách vì ý thức hệ, vì thù hận và vì kiêu căng. Và khi con người càng sống dư thừa vật chất, xây dựng được một vài công trình to lớn thì càng trở thành những kẻ chối bỏ Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ và tạo dựng nên con người. Do đó, lời rao giảng “hãy sám hối” của Chúa Giê-su vẫn còn vang dội cho đến ngày nay, đã và đang làm cho nhiều người hoán cải đời sống để trở nên những môn đệ thật sự của Chúa Giê-su Ki-tô.

Sám hối để được tha tội và tin vào Tin Mừng để được cứu rỗi, là hai điều căn bản phải có nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su.

4. Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ta hãy xin cho được luôn luôn lắng nghe lời Người.

Để củng cố đức tin cho các môn đệ, và để cho các ngài “nếm” trước mùi vị ngọt ngào của hạnh phúc trong Nước Trời, Chúa Giê-su đã biến hình sáng láng trên núi, thánh sử Mat-thêu đã tường thuật như sau: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục của Người trắng tinh như anh nắng. (Mt 17, 1-2). Biến cố biến hình của Chúa Giê-su là một sự mở con mắt đức tin của ba môn đệ, để các ngài biết rằng, Đấng mà các ngài tin và đi theo đúng là vị tiên tri từ trời xuống. Nhưng điều làm cho các tông đồ ngạc nhiên sợ hãi chính là tiếng Chúa Cha phán ra từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17, 5b)

Tiếng từ trong đám mây là tiếng của Cha đang giới thiệu Con yêu quý của mình, là lời mạc khải về thiên tính của người Con duy nhất, và là lời chứng thực, chỉ có người Con này mới là Đấng từ trời xuống để thi hành thánh ý của Cha mà thôi.

Chúa Giê-su là Con yêu quý của Chúa Cha, chính Ngài –dù đang mang thân phận con người- vẫn là hình ảnh vô hình của Chúa Cha (Cl 1, 15) đang hiện diện ở trần gian, và chỉ có Ngài mới có đủ tư cách cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi, chỉ có Ngài mới là Đấng ban lại cho nhân loại ơn làm con Thiên Chúa mà thôi.

Cuộc biến hình trên núi của Chúa Giê-su là một sứ điệp đức tin cho các môn đệ, những người chỉ tin mà chưa thấy, chỉ nghe mà chưa tường tận, giờ đây, qua cuộc biến hình sáng chói này của Chúa Giê-su và là Thầy của mình, đức tin của các ông như được tăng lên gấp bội.

Suy niệm đến việc Chúa Giê-su biến hình này với lời giới thiệu long trọng của Chúa Cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy bước theo Chúa Giê-su để tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã giao phó trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người; Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta khi bước theo Chúa Giê-su thì cố gắng liên tục–nhờ ơn Chúa- biến đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với những gì mà mình đã tin và đã rao giảng. Đó chính là điều mà mọi người đang chờ đợi nơi chúng ta: những người –nhờ đức tin- mà thấy được niềm hy vọng nơi Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su biến hình trên núi, là dịp để chúng ta suy ngắm lại sự sống đời sau của chúng ta, hơn là chúng ta chỉ sống trong ước mơ muốn được thấy Chúa biến hình như ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan.

-Tôi đã thực sự thay đổi cuộc sống của mình chưa, thay đổi hoàn toàn mà không giữ lại những thói quen làm cho mình dễ chịu, nhưng sẽ làm hại linh hồn mình.

-Tôi đã thực sự tin vào Chúa Giê-su chưa, hay là vẫn còn hoài nghi về Ngài, khi mà cuộc sống của tôi chỉ toàn đau khổ mà không thấy vinh quang.

-Tôi đã nghe lời Chúa Cha giời thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ, có lúc nào tôi giới thiệu Chúa Giê-su cho bạn bè, người thân của tôi chưa?

Cuộc biến hình của Chúa Giê-su và lời giới thiệu của Chúa Cha là ngọn đèn dẫn nhân loại đến con đường cứu rỗi, mà chúng ta –người Ki-tô hữu- chính là những ngọn đèn ấy, lấy cuộc sống gương sáng của mình để chiếu soi Tin Mừng vào trong cuộc sống của tha nhân.

5. Đức Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể . Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.

Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội, là lương thực nuôi sống mỗi người Ki-tô hữu. Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu với nhau trong Chúa Ki-tô, bởi đó mà trong tông thư về bí tích Thánh Thể, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đã nói: “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa: “Và Thầy, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).

Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể để ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho Giáo Hội, để Giáo Hội làm lương thực thần thiêng trên đường lữ thứ trần gian về quê trời. Bí tích Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất của Giáo Hội, là dấu chỉ của hiệp thong và yêu thương, và có thể nói, nếu không có bí tích Thánh Thể thì không có Giáo Hội và không có Giáo Hội thì không có bí tích Thánh Thể. Chính Chúa Giê-su thấy rõ và tiên liệu trước cho Giáo Hội của Ngài ờ trần gian nên đã lập bí tích yêu thương này, để qua đó, mà Ngài tiếp tục ở lại với Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Tông thư trên cũng đã lập lại lời của công đồng Vatican II: “Công đồng Vaticanô II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu.”

Giáo Hội hơn hai ngàn năm lịch sử, đã và đang được tiếp tục nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, và từ nơi Thánh Thể, Giáo Hội càng ngày càng nhận ra được tình yêu thương của Chúa Giê-su dành cho Giáo Hội và nhân loại, cho nên, Giáo Hội càng thấy mình có thêm một một sứ mạng đặc biệt nữa là rao giảng sự hiệp nhất giữa các Ki-tô với nhau, và giữa những con người với nhau. Giáo Hội, giữa bao thăng trầm của thế giới, giữa bao đau thương mà Giáo Hội phải chịu, thì Thánh Thể chính là nguồn an ủi và là nguồn cảm hứng tràn đầy thánh dược để Giáo Hội tiếp nối tục làm tròn sứ mạng của mình giữa thế gian này.

Mỗi ngày trong thánh lễ, Giáo Hội lại hân hoan cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, và Chúa Giê-su Ki-tô vẫn hằng ngày hiện diên trên các bàn thờ trên khắp thế giới, để luôn là niềm khích lệ và là nguồn sống của Giáo Hội và của mỗi người Ki-tô hữu, đó là mầu nhiệm khôn sánh mà nhân loại không thể nào hiểu thấu, nhưng con cái của Giáo Hội Chúa thì vẫn luôn yêu mến và thường xuyên năng đón nhận bí tích yêu thương này, bởi vì Thánh Thể là nguyên nhân của mọi tình yêu và bác ái của họ.

Khi suy ngắm đến mầu nhiệm tình yêu này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ, bởi vì trong thánh lễ, Chúa Giê-su hiện diện thực sự trên bàn thánh để trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta, và trở nên nguồn mạch yêu thương nối kết lòng chúng ta lại với Thiên Chúa và với tha nhân.

Cho nên, Giáo Hội khuyên dạy chúng ta phải có thái độ cung kính, nghiêm trang và yêu mến khi đi tham dự thánh lễ, bởi vì có nhiều con cái của Giáo Hội ngày càng tục hoá các bí tích, coi các bí tích như là những việc làm vô ích mà Giáo Hội bày ra để “hù doạ” thiên hạ, và nguy hiểm hơn, họ coi Thánh Thể như là một trò đùa của Giáo Hội phỉnh gạt những người không hiểu biết. Có những lúc, chúng ta đi tham dự tiệc Thánh Thể bằng thái độ không nghiêm túc, đi rước lễ chỉ là hình thức che giấu tội lỗi của mình mà thôi. Đó chính là điều mà Chúa Giê-su rất đau buồn, bởi vì khi chúng ta rước Thánh Thể cách bất xứng là chúng ta lại đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá lần nữa, mà lần này thì Chúa đau khổ hơn khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá trên đồi Can-vê, bởi vì những kẻ đóng đinh Ngài là chúng ta, những người được Ngài yêu thương và cứu chuộc bằng cái chết nhục nhả của mình. Từng giờ và từng phút, nơi nhà tạm trong nhà thờ, Chúa Giê-su Thánh Thể vẫn chờ đợi chúng ta đến viếng thăm an ủi Ngài, bởi vì từng giây từng phút có rất nhiều người xúc phạm đến Chúa Giê-su Thánh Thể trên khắp thế giới, đó là lý do mà Giáo Hội mời gọi chúng ta luôn viếng Thánh Thể và chầu Thánh Thể.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, thánh Phao-lô tông đồ đã lên tiếng cảnh cáo những người tham dự Thánh Thể cách bất xứng, ngài nói: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa." (1 Cr 11, 27)